Ẩm thực dân tộc Việt Nam và một số hình ảnh hội ẩm thực Việt Nam tại trường TCN Ngọc Phước
Bữa cơm của ta, dù trong gia đình hay làng xã mang tính cộng đồng, đều chia sẻ với nhau, có tôn ti trật tự, nữ là phận dưới nhưng chịu trách nhiệm chế biến chính (ở phương Tây, nam lại là đầu bếp giỏi). Bà Higuchi ( Nhật bản) đã nghiên cứu so sánh hai văn hóa nặng về cộng đồng Nhật Bản và Việt Nam, gia đình ở Việt Nam có tầm quan trọng số một, còn ở Nhật Bản họ xếp số hai sau bạn bè. Bữa “cơm nhà” của ta, ngày hai bữa, mang tính chất lễ nghi gắn bó những thành viên gia đình, nước ta chủ yếu là nông nghiệp nên có điều kiện dễ tập hợp, thường là ba thế hệ, ta ngồi trên chiếu, quanh chiếc mâm tròn, bày các món ăn sẵn cùng một lúc, có bát nước chấm chung. Mọi người ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Có nhiều quy định bất thành văn. Bà hoặc mẹ hay con dâu trưởng ngồi đầu nồi xới cơm cho cả nhà, xới cơm dẻo ngon cho ông bà cha mẹ trước, trước khi động đũa, có lời mời “xơi” cơm đối với người hơn tuổi mình, ăn xong, phải có lời “xin phép” rồi mới được đứng dậy. Thật đáng tiếc, từ sau Cách mạng 45, nhiều gia đình bỏ việc mời ăn, cho là phong kiến. Tôi nghĩ chữ Lễ về mặt khoa học tạo ra phản xạ có điều kiện kiểu Pavlov, – “mời ăn” hàng ngày lặp đi lặp lại trong tiềm thức tình cảm kính trên nhường dưới thân thương, giúp giữ đạo đức gia đình. Đồ ngon (như phao câu, âu cánh) gắp cho người có tuổi và trẻ em, điều này không có trong bữa ăn Tây. Đũa cấm so lệch, – vì người ăn sẽ bị xúi quẩy. Gắp cho khách ăn, phải trở đầu đũa hay dùng đôi đũa riêng. Không vừa cầm đũa vừa cầm thìa múc canh, đưa bát đũa phải đưa hai tay.
Có khách đến đúng bữa ăn, thêm cái bát đôi đũa thành thực mời ăn cùng. Dân gian có rất nhiều câu ca dao về ăn uống như: Ăn cơm không rau, như nhà giàu chết không kèn trống, – Ăn lắm không biết miếng ngon, Nói lắm sẽ hết lời khôn, hóa rồ, – Miếng ăn là miếng nhục, – Ăn tham trời làm chết nghẹn…